Trung Quốc gặp vấn đề nghiêm trọng về người trẻ thất nghiệp

Bài bình luận bởi Milton Ezrati

Trong nhiều năm qua, thế giới kinh ngạc trước số lượng các sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và kỹ thuật từ các trường đại học Trung Quốc. Nhưng giờ đây, những sinh viên trẻ này lại không tìm được công việc ý nghĩa ở chính đất nước của mình.

Cụm từ “thanh niên thất nghiệp” đã biến mất khỏi các biểu đồ thống kê. Các vấn đề thất nghiệp ở giới trẻ nghiêm trọng đến mức nó đe dọa đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế, thậm chí đến cả “khế ước xã hội” giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người dân – mang đến sự thịnh vượng cho người dân để đổi lấy sự lãnh đạo độc nhất của đảng.

Tình thế đã đến mức cực đoan. Vào tháng 4 năm nay – mốc thời gian gần nhất có thể truy cập được dữ liệu, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở thành thị đã tăng trên 20%, con số này vượt mức cao nhất trước đây là 19,9% vào năm 2022 – thời kỳ tồi tệ nhất do phong tỏa vì đại dịch. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên hầu như gấp 4 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (5,2%). Tình hình đen tối này là chưa tính đến hàng triệu học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học và trung học. Tỷ lệ thất nghiệp cũng nói lên nỗi đau [của xã hội Trung Quốc] theo một cách khác.

Theo một bài báo gần đây của Gáo sư Xiaogang Li của Đại học Giao thông Tây An, hàng triệu người dân, gần 1/4 số sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang làm việc ở những vị trí không tương xứng với bằng cấp chuyên môn của họ. Tác giả gọi những người có tay nghề cao nhưng không may phải đang làm công việc không tương xứng với tay nghề của mình là tình trạng thiếu việc làm .

Những người lao động nhập cư đứng gần các tấm biển quảng bá kỹ năng của họ trong khi chờ được thuê bên một con phố ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 6 tháng 2 năm 2023. (STR/AFP qua Getty Images)

Vấn đề của Trung Quốc xảy ra hầu như đều là do các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tự gây ra cho họ, hay đúng hơn là gây ra cho Trung Quốc. Kiểu “tự mình làm đau mình” này thường xảy ra ở các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và gần như thường xảy ra ở các nền kinh tế thị trường mà ở đó chính quyền trung ương khăng khăng áp đặt sáng kiến của mình lên xã hội.

Học hỏi từ Hoa Kỳ, dù không phải rập khuôn, nhiều năm trước Bắc Kinh đã quyết định rằng Trung Quốc cần nhiều người có trình độ đại học hơn để tạo ra một nền kinh tế hiện đại, công nghệ tiên tiến. Không giống với Hoa Kỳ, mặc dù Hoa Kỳ thoạt nhìn thì có vẻ có hướng đi giống với Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh đến khoa học và kỹ thuật. Giờ đây, Trung Quốc có đông đảo những người có học thức nhưng họ lại không tìm được chỗ đứng cho các kỹ năng và bằng cấp của mình trong nền kinh tế.

Minh chứng thêm cho những sai lầm của các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện dự đoán rằng nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng dư thừa lực lượng lao động có trình độ đại học song song với tình trạng thiếu công nhân sản xuất. Các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh thừa nhận đến năm 2025, sẽ thiếu nhân công cho khoảng 30 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, con số chiếm gần 1/2 nhu cầu của lĩnh vực này.

Bắc Kinh nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong tình thế này. Ngoài nhu cầu thật sự hệ trọng về nhân công sản xuất, Trung Quốc còn phải đối mặt với tình trạng dư thừa lao động được đào tạo bài bản, họ là những người rất thất vọng vì không tìm được công việc tương xứng với năng lực, cũng chính là những người có thể cảm thấy bị chính quyền phản bội. Bắc Kinh đã phản ứng bằng nhiều kế hoạch hơn. Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một kế hoạch gồm 15 điểm vào tháng 4. Nổi bật trong bản kế hoạch này là nỗ lực lớn trong đào tạo, hay có lẽ nói đúng hơn là “đào tạo lại” những sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp và mở rộng sự hỗ trợ của nhà nước cho cái mà Bắc Kinh gọi là “tham vọng khởi sự doanh nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học”. Trong trường hợp khẩn cấp trước mắt, bản kế hoạch của Quốc vụ viện đã cam kết mở rộng việc tuyển dụng của các doanh nghiệp nhà nước.

Giá như Bắc Kinh đã hành động nhiều hơn để hoàn thành tham vọng của mình, thì họ có thể đã đối mặt với thực tế ít khắc nghiệt hơn. Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thường viện dẫn mong muốn của Bắc Kinh là chuyển dịch nền kinh tế tập trung vào sản xuất với kỹ năng thấp và trung bình hiện tại của Trung Quốc sang một nền kinh tế dịch vụ, tiên tiến hơn. Nhưng tham vọng đó luôn khoa trương hơn là thực tế.

Thật vậy, sự phát triển của một nền kinh tế dịch vụ luôn mâu thuẫn với tham vọng của ông Tập trong việc giành quyền thống trị toàn cầu ở một số hoạt động sản xuất và khai thác mỏ. Tham vọng khai thác mỏ và sản xuất của ông Tập đã hướng Trung Quốc chi tiêu đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, từ chối cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ – các doanh nghiệp hướng đến người tiêu dùng, mà vốn việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp loại này có thể giúp chuyển dịch nền kinh tế Trung Quốc theo hướng dịch vụ một cách tự nhiên.

Trung Quốc không đơn độc trong hành trình này. Phần lớn các nước phát triển tập trung vào bậc đại học và có lượng lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm phù hợp với năng lực của họ. Nhưng Trung Quốc – một nền kinh tế kế hoạch điển hình – đã tự đặt mình vào một tình thế nghiêm trọng hơn hầu hết các nước khác.

Giá như Bắc Kinh đã không xây dựng một hệ thống đại học đồ sộ với hàng chục triệu sinh viên, Trung Quốc ngày nay có thể đã có nhiều công nhân sẵn sàng làm những công việc sản xuất cần thiết cho nền kinh tế. Nếu Bắc Kinh không bỏ đói tín dụng các doanh nghiệp vừa và nhỏ để ồ ạt theo đuổi nỗ lực của mình thông qua các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về mặt chính trị nhưng không linh hoạt, thì giờ đây họ có thể đã có một nền kinh tế dịch vụ, thay vì là lời nói suông của ông Tập Cận Bình. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và giờ đây Bắc Kinh phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, “tự mình làm đau mình” , là thanh niên thất nghiệp. Nó cũng mang đến cho thế giới một bài học khách quan về những hậu quả không lường trước được và những nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế kế hoạch tập trung.


Bài viết của ông Milton Ezrati, biên tập viên của The National Interest của Center for the Study of Human Capital tại Đại học Buffalo (SUNY), chuyên gia kinh tế trưởng của Vested. Ông từng là giám đốc chiến lược thị trường và chuyên gia kinh tế cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog thường xuyên cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live”.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của chính tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Thiên Thảo’s Blog chuyển ngữ.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

BÀI VIẾT MỚI

Theo dõi Thiên Thảo’s Blog

THEO DÕI BLOG TỪ EMAIL / SUBSCRIBE

Nhập địa chỉ email để theo dõi những bài đăng mới nhất của Thiên Thảo’s Blog.

Tạo một blog trên WordPress.com