Tại sao người tiêu dùng Trung quốc cảm thấy buồn bã?

Bắc Kinh cần người tiêu dùng tích cực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng các hộ gia đình Trung Quốc, có lý do, để không tham gia cùng.

Bình luận

Trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản được coi là vấn đề kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, thì trạng thái bất an của người tiêu dùng Trung Quốc lại căn bản hơn và có lẽ đáng nói hơn.

Trong một thời gian dài, thậm chí là trước đại dịch, Bắc Kinh đã nói về việc chuyển trọng tâm của nền kinh tế từ đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, phát triển bất động sản và xuất khẩu sang tiêu dùng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra khuyến nghị tương tự. Nhưng các nhà quy hoạch ở Bắc Kinh chưa bao giờ thực hiện điều chỉnh, rõ ràng là vì những trọng tâm kinh tế cũ đã tạo ra những con số tăng trưởng ấn tượng khiến giới lãnh đạo đất nước hài lòng.

Giờ đây, cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản, xuất khẩu sụt giảm và tổng nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, Bắc Kinh bắt đầu chú ý đến những người tiêu dùng. Tuy nhiên, các hộ gia đình Trung Quốc dường như không mấy quan tâm đến việc chi tiêu như Bắc Kinh mong muốn, xét về nhiều mặt là bởi vì các chính sách trước đây của Bắc Kinh.

Mọi chỉ số đều cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ ngại chi tiêu mà còn thực sự thất vọng. Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thực hiện cách đây không lâu đã ghi lại cảm giác tồi tệ này. Một chỉ số mà các nhà thống kê của ngân hàng nghĩ ra để cân nhắc tỷ lệ giữa sự lạc quan và bi quan về tăng trưởng thu nhập cá nhân so trong cuộc khảo sát gần đây này nằm ở mức 49,7, giảm đáng kể so với mức 56 trước đại dịch.

Khi thu thập những số liệu này, ngân hàng phát hiện ra rằng có tới 15% hộ gia đình Trung Quốc bị sụt giảm thu nhập, và thậm chí còn có nhiều người hơn nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra với họ. Về triển vọng việc làm, khoảng 43% số người được hỏi cho biết họ không an tâm về công việc của mình. Chỉ số tỷ lệ giữa sự bi quan và sự lạc quan về giá trị tài sản cao hơn gần 15% so với mức trước đại dịch. Chỉ có 15% hộ gia đình Trung Quốc kỳ vọng giá trị tài sản sẽ sớm tăng lên.

Không có gì ngạc nhiên khi khoảng 60% hộ gia đình Trung Quốc nói với PBOC rằng họ ưu tiên tiết kiệm hơn là tiêu dùng, trong khi chỉ 25% ưu tiên điều ngược lại. Chắc chắn là những người Trung Quốc có trình độ văn hóa sẽ sẵn sàng tiết kiệm, nhưng những con số này cho thấy sự thay đổi đáng kể so với 3 đến 5 năm trước. Sự gia tăng lượng tiền gửi ngân hàng phản ánh sự pha trộn cực đoan những ưu tiên này. Các khoản tiền gửi mới, vốn đã tăng nhanh vào đầu năm ngoái, đã tiếp tục gia tăng vào năm 2024, đặc biệt là xu hướng sẵn sàng gửi tiền kỳ hạn dài hơn, để có lãi suất tốt hơn. Động lực tiết kiệm thay vì chi tiêu được thể hiện rõ ràng trong thực tế là người Trung Quốc đã trả nợ thế chấp vào năm ngoái nhanh hơn so với việc rút tiền ra, do đó giá trị còn tồn đọng của các khoản thế chấp thực sự đã giảm, đây là một sự kiện hiếm gặp về mặt lịch sử.

Những xu hướng này vẫn tiếp tục không bị gián đoạn ngay cả khi PBOC cắt giảm lãi suất. Rõ ràng, những động thái đó không đủ để thay đổi hành vi, nhất là khi vì tình trạng giảm phát ở Trung Quốc đã vượt quá mức cắt giảm lãi suất nên ngay cả việc lãi suất danh nghĩa giảm cũng mang lại lợi nhuận sức mua cao hơn trước đây.

Nguyên nhân lớn nhất gây nên nỗi bất an của người tiêu dùng cho đến nay là cuộc khủng hoảng bất động sản. Sự sụp đổ của các nhà phát triển bất động sản lớn đã tạo gánh nặng cho thị trường tài chính với khoản nợ đáng ngờ và do đó làm giảm khả năng hỗ trợ các loại hình kinh doanh và mở rộng việc làm nhằm khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt vì hàng triệu hộ gia đình Trung Quốc đã mua trước các căn hộ từ những nhà phát triển bất động sản hiện đã không còn tồn tại và sẽ không bao giờ thấy căn nhà của mình được hoàn thiện, nhiều người Trung Quốc đã quyết định từ bỏ việc mua nhà. Hoạt động xây dựng đã giảm mạnh và giá trị bất động sản đã giảm. Vì khoảng 80% hộ gia đình Trung Quốc sở hữu nhà riêng nên giá trị bất động sản sụt giảm đã ảnh hưởng nặng nề đến giá trị tài sản ròng của cả gia đình, đồng thời tạo ra ác cảm với việc chi tiêu và làm cho động lực tiết kiệm càng mạnh mẽ.

Vấn đề phức tạp hơn nằm ở cách người tiêu dùng Trung Quốc vay mượn trong những năm bùng nổ trước đại dịch. Sau đó, giá trị bất động sản tăng nhanh, khuyến khích việc vay thế chấp và chi tiêu nói chung ở những người đã sở hữu một ngôi nhà và cảm thấy giàu có khi giá trị của nó tăng lên. Giờ thì, phần lớn khoản nợ vẫn còn đó, nhưng thứ được đem đi thế chấp—giá trị bất động sản—đã giảm.

Nếu điều này vẫn chưa đủ để làm cho người tiêu dùng Trung Quốc cảnh giác, thì còn có hậu quả từ các biện pháp zero-COVID mà Bắc Kinh đã theo đuổi trong suốt thời kỳ đại dịch cho đến cuối năm 2022. Việc đóng cửa, phong toả và cách ly tùy tiện bởi sự áp đặt của các biện pháp này đã thuyết phục nhiều người Trung Quốc có thu nhập trung bình và thấp rằng thu nhập của họ không an toàn như họ từng nghĩ trước đây và do đó, không khuyến khích chi tiêu.

Không có tác động nào trong số này sẽ sớm biến mất. Những bất ổn về thu nhập do chính sách zero-COVID để lại có thể sẽ được giải quyết tương đối sớm, nhưng Bắc Kinh mới chỉ bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản. Các cơ quan chức năng sẽ mất nhiều thời gian và càng nhiều nỗ lực hơn nữa để bắt đầu tiếp cận một giải pháp, và sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa để di sản của những sự kiện này và khoản nợ tồn đọng mà chúng đã tạo ra bắt đầu khơi gợi tâm lý lạc quan của người tiêu dùng. Một con đường dài và khó khăn đang đợi Trung Quốc phía trước, và hiện tại, quốc gia này phải lê bước đi khi không có nhiều sự trợ giúp từ phía người tiêu dùng Trung Quốc.


Bài viết của Milton Ezrati, biên tập viên đóng góp cho trang The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), đồng thời là chuyên gia kinh tế cao cấp của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là trưởng nhóm chiến lược thị trường và kinh tế cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho tờ City Journal và thường xuyên viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live”.

Thiên Thảo Blog chuyển ngữ.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

BÀI VIẾT MỚI

Theo dõi Thiên Thảo’s Blog

THEO DÕI BLOG TỪ EMAIL / SUBSCRIBE

Nhập địa chỉ email để theo dõi những bài đăng mới nhất của Thiên Thảo’s Blog.

Tạo một blog trên WordPress.com