Phân tích: Tại sao ĐCSTQ cần đến hơn 170 nhà ngoại giao ở Canada?

Một cựu viên chức ngoại giao của Trung Quốc nói rằng các đại diện Trung Quốc không tham gia vào các nhiệm vụ ngoại giao chính thức thì nên bị trục xuất

Các nghị sĩ đối lập Canada đang đặt câu hỏi tại sao một nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây bị trục xuất, vì có dính líu đến việc đe dọa gia đình một nghị sĩ, lại không bị trục xuất sớm hơn trước đó tại thời điểm có thông tin được tiết lộ rằng cơ quan tình báo Canada đã biết rằng nhà ngoại giao Trung Quốc này đã theo dõi các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ ở Canada trong nhiều năm.

Tính đến thời điểm viết bài này, có 177 nhà ngoại giao Trung Quốc ở Canada, bao gồm cả các đại diện của Trung Quốc tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ở Montreal. Con số này chỉ đứng sau Hoa Kỳ, đồng minh thân cận nhất và là láng giềng phía nam của Canada với 291 nhà ngoại giao. Quốc gia có số lượng nhà ngoại giao Trung Quốc lớn thứ ba là Nhật Bản với 80 nhà ngoại giao.

Năm 2019, số lượng cơ quan ngoại giao ở nước ngoài của chính quyền Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ. Tính đến năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có 275 đại sứ quán, lãnh sự quán và các cơ quan đại diện khác trên khắp thế giới, theo dữ liệu mới nhất từ Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu (GDI) của Viện Lowy. Hoa Kỳ có 267 và Canada có 143.

Dan Stanton, cựu Giám đốc điều hành của Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS), nói rằng với mức độ giao thương khổng lồ giữa hai nước, việc các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện diện nhiều đến như thế cũng không có gì lạ.

Stanton nói: “Mối quan tâm của tôi là có bao nhiêu phần trăm liên quan đến hoạt động can thiệp nước ngoài hay thậm chí là gián điệp”.

Chen Yonglin, cựu quan chức cấp cao của Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, Australia, người đã đào tẩu khỏi Trung Quốc vào năm 2005, nói rằng ông trực tiếp biết được rằng chức năng chính của các lãnh sự quán Trung Quốc là quấy rối cộng đồng người Hoa ở hải ngoại (diaspora) và thực hiện các hoạt động can thiệp vào nước sở tại.

“Có quá nhiều các lãnh sự quán và chúng hoạt động quá tích cực với ngân sách khổng lồ cho những [mục đích] này”, ông Chen nói với The Epoch Times.

Các lãnh sự quán được thiết lập như thế nào?

Bên cạnh các dịch vụ lãnh sự như các bộ phận xử lý, hỗ trợ thi thực và bảo vệ, các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc thường có các bộ phận chịu trách nhiệm về các vấn đề Chính trị, các vấn đề về Hoa kiều, các vấn đề Kinh tế và Thương mại, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Văn hóa. Đại sứ quán cũng có một tùy viên quân sự chính thức.

Ngoài 01 tổng lãnh sự, mỗi cơ quan lãnh sự thường có 02 phó tổng lãnh sự. Ông Chen cho biết một trong hai người đó là nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, còn người còn lại đến từ Bộ An ninh Quốc gia, cơ quan tình báo của Trung Quốc.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Vancouver trong một bức ảnh. (Melodie Von/NTD)

“Họ gọi đó là hoạt động phản gián tức theo dõi nhân viên. Nhưng họ cũng làm việc để phối hợp với các hành động khác của Bộ An ninh Quốc gia, chẳng hạn như tiến hành giám sát một mục tiêu cụ thể”, ông nói.

Ngoài một tùy viên quân sự tại các đại sứ quán, ông Chen nói rằng có thể có các đại diện khác của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tại các lãnh sự quán nhưng được ngụy trang, chẳng hạn như họ được bổ nhiệm vào làm việc tại văn phòng các vấn đề thương mại và giấu kín thân phận của họ ngay cả với các nhân viên lãnh sự quán khác. Nhưng theo thời gian, các nhân viên thường hiểu được họ là ai nhờ những manh mối như ngân sách chi trả cho họ đều bằng tiền mặt, ông cho biết.

Nhắm mục tiêu vào “Sáu nhóm”

Văn phòng Chính trị là bộ phận phụ trách quan hệ song phương giữa Trung Quốc và nước sở tại.

Mặc dù nơi để thúc đẩy mối quan hệ song phương thường là thủ đô của nước sở tại – nơi có chính quyền trung ương và các đại sứ quán khác nhưng các lãnh sự quán Trung Quốc ở các thành phố khác cũng thường có văn phòng này.

“Các lãnh sự quán ban đầu được thành lập để cấp thị thực, báo cáo lại các trường hợp bị mất hộ chiếu và những việc tương tự. Và có vẻ hơi buồn cười [đối với các lãnh sự quán] khi họ chịu trách nhiệm về các vấn đề chính trị”, ông Stanton nói. “Nhưng tôi đoán đó là cách họ nhìn nhận mọi thứ. Có thể trong mọi liên hệ với một thực thể Canada, họ đều có thể thấy có khía cạnh chính trị đối với CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa]”.

Theo ông Chen, Văn phòng Chính trị cũng được giao một trong những nhiệm vụ có mức độ ưu tiên cao nhất của ĐCSTQ: đối phó với “sáu nhóm”. Thuật ngữ này đề cập đến các nhóm và thực thể là mục tiêu mà ĐCSTQ muốn xóa bỏ hoặc kiểm soát hoàn toàn, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, các nhà hoạt động dân chủ, các nhà hoạt động Đài Loan và các nhà hoạt động Hồng Kông.

Một báo cáo gần đây của Globe and Mail trích dẫn một nguồn tin an ninh quốc gia cho biết Zhao Wei, nhà ngoại giao Trung Quốc tại Canada vừa bị trục xuất, đang theo dõi các nhóm mục tiêu ở Khu vực Greater Toronto, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, các nhà hoạt động nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông và những người ủng hộ độc lập của Tây Tạng và Đài Loan.

Zhao bị tuyên bố là nhân vật không được hoan nghênh về mặt ngoại giao (non grata) vào ngày 8 tháng 5 vì đã đe dọa gia đình của Nghị sĩ đảng Bảo thủ Michael Chong ở Hồng Kông sau khi Chong tài trợ cho một cuộc vận động của Hạ viện vào năm 2021 nhằm tuyên bố cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc là một hành động diệt chủng.

Dựa trên điều này, ông Chen nghi ngờ rằng Zhao có liên quan đến Văn phòng Chính trị.

Hoạt động can thiệp

Ông Chen cho biết Văn phòng Sự vụ Hoa kiều là bộ phận phụ trách “ngoại giao phi chính phủ”. Điều này nối tiếp di sản “ngoại giao bóng bàn” (ping-pong diplomacy) đã dẫn đến một bước ngoặt trong quan hệ Hoa Kỳ – CHND Trung Hoa vào những năm 1970, hoạt động của Văn phòng này bao gồm các sự kiện giải trí để thúc đẩy tuyên truyền của ĐCSTQ.

Chen Yonglin, một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc đào tẩu sang Úc năm 2005, phát biểu tại một cuộc biểu tình ở Sydney năm 2015. (Shar Adams/The Epoch Times)

Bộ phận này cũng là một phần của Uỷ ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, ông Chen nói. “Ý định là can thiệp vào công việc nội bộ của Canada”.

Theo nghiên cứu được trích dẫn bởi Public Safety Canada, Mặt trận Thống nhất là công cụ can thiệp nước ngoài chính của ĐCSTQ.

Anne-Marie Brady, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Canterbury ở New Zealand, cho biết Mặt trận Thống nhất sử dụng các nhóm và cá nhân nổi bật trong xã hội, tập trung vào việc quản lý thông tin và tuyên truyền, đồng thời tổ chức này có thể được sử dụng để thuận lợi hoá cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

“Các quan chức của Mặt trận Thống nhất ĐCSTQ và các đặc vụ của họ cố gắng phát triển mối quan hệ với người nước ngoài và Hoa kiều (các nhân vật càng có ảnh hưởng càng tốt) để gây ảnh hưởng, khuynh đảo và nếu cần thiết, bỏ qua các chính sách của chính phủ quốc gia sở tại và thúc đẩy lợi ích của ĐCSTQ trên toàn cầu”, bà Brady đã viết trong một bài viết năm 2017.

Một trong những trọng tâm chính của Mặt trận Thống nhất là gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Hoa ở nước ngoài nhằm thúc đẩy lợi ích của ĐCSTQ ở nước sở tại.

“Các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc truyền đạt các chỉ dẫn đến các nhóm cộng đồng người Hoa và phương tiện truyền thông Hoa ngữ, đồng thời họ tổ chức các chuyến thăm của các phái đoàn cấp cao của ĐCSTQ đến gặp gỡ các nhóm người Hoa hải ngoại tại địa phương”, bà Brady nói.

“Các nhà lãnh đạo của các hiệp hội Hoa kiều có liên hệ với Trung Quốc ở các nước thường xuyên được mời đến Trung Quốc để cập nhật về các chính sách hiện hành của chính phủ CHND Trung Hoa”.

Bí mật Giáo dục, Văn hóa và Thương mại

Ông Chen nói rằng các bộ phận khác trong các cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc cũng đang trở nên quan trọng hơn đối với ĐCSTQ, chẳng hạn như Văn phòng Giáo dục bởi ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc đến Canada.

Một trong những biện pháp chính để lãnh sự quán kiểm soát sinh viên là thông qua việc sử dụng Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc. Tổ chức này có mặt ở hầu hết các trường đại học Canada. Chẳng hạn, phân hội tại Đại học Toronto trực tiếp nói rằng họ được thành lập dưới sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Trung Quốc.

Trọng tâm khác của bộ phận Giáo dục là các Viện Khổng Tử của ĐCSTQ đóng tại một số tổ chức giáo dục của Canada, ông Chen cho biết.

Ông nói thêm rằng Văn phòng Văn hóa, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa ĐCSTQ, chịu trách nhiệm thúc đẩy tuyên truyền của ĐCSTQ, còn Văn phòng Khoa học và Công nghệ sẽ theo dõi sự phát triển trong nghiên cứu, thường hướng đến hoạt động gián điệp công nghệ.

“Can thiệp vào Chính trị Canada

Ông Chen nói rằng nhiều nhà ngoại giao của Trung Quốc rõ ràng đã không tham gia vào các hoạt động ngoại giao hợp pháp và quy mô của phái bộ ngoại giao Trung Quốc tại Canada nên được cắt giảm đáng kể.

“Họ vốn không cần Văn phòng Sự vụ Hoa kiều, cơ quan đang làm việc với tổ chức Mặt trận Thống nhất và tuyên truyền, nuôi dưỡng gián điệp Trung Quốc. Tất cả các nhà ngoại giao làm việc trong bộ phận này nên bị trục xuất”, ông nói.

Tương tự như vậy, Canada nên từ chối chấp nhận bất kỳ nhân sự nào thay thế nhà ngoại giao bị trục xuất Zhao Wei, vì ông Zhao đã bị buộc tội quấy rối cộng đồng Hoa kiều tại Canada, ông Chen nói.

Điều tương tự cũng nên diễn ra với các nhà ngoại giao khác trong Văn phòng Chính trị tại các lãnh sự quán, những người mà nhìn bề ngoài thì dường như không có động cơ, bởi các cam kết chính trị sẽ diễn ra ở thủ đô của nước sở tại – nơi có đại sứ quán, ông Chen nói. Ngay cả ở Ottawa, chỉ cần hai người trong văn phòng này là đủ để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quan hệ song phương, vậy nên số người còn lại nên bị cắt giảm.

Ông nói: “Văn phòng Chính trị ở lãnh sự quán đi ngược lại Công ước Vienna, bởi vì bộ phận Dịch vụ lãnh sự cũng như các bộ phận Thương mại và Bảo vệ lãnh sự đã cung cấp các dịch vụ cần thiết. Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao năm 1961 đặt ra các quy tắc của luật ngoại giao, trong đó có quy định rằng các nhà ngoại giao phải tôn trọng luật pháp của nước sở tại.

“Bộ phận Văn phòng Chính trị đang can thiệp vào chính trị Canada, chẳng hạn như hối lộ các chính trị gia hoặc đe dọa các nghị sĩ Canada — đó là công việc của bộ phận này”, ông Chen nói.

Ông cho rằng điều tương tự cũng nên áp dụng cho các bộ phận khác, chẳng hạn như bộ phận Giáo dục vì mục đích duy nhất của những bộ phận kiểu này là để can thiệp vào Canada.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa trong một bức ảnh. (The Epoch Times)

“Không có nhiều hoạt động kinh doanh của chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục. Công việc chính của Văn phòng Giáo dục là nhắm đến sinh viên và các Viện Khổng Tử. Ngoài ra, họ không còn việc gì khác để làm. Họ can thiệp vào sự độc lập trong học thuật ở các trường đại học và điều hành các mạng lưới gián điệp”, ông Chen nói.

Ông nói thêm rằng Canada cũng nên trục xuất phó tổng lãnh sự quán Trung Quốc thuộc Bộ An ninh Quốc gia cũng như các nhà ngoại giao khác có xuất thân từ quân đội, bởi vì Trung Quốc đã có một tùy viên quân sự chính thức ở Ottawa.

“Các nhà ngoại giao của Trung Quốc nên bị hạn chế về số lượng, bởi vì họ đã và đang gây ra những vấn đề cho Canada”.

“Phản ứng lại thuần tuý”

Theo ông Chen, chính sách ngoại giao quốc tế của ĐCSTQ là một phần mở rộng của hệ thống cai trị ở nội địa nhằm cố gắng che đậy sự thật rằng chế độ này không phải là một chính phủ hợp pháp vì nó không được bầu cử bằng cách bỏ phiếu phổ thông.

“Sự công nhận của quốc tế là rất quan trọng đối với ĐCSTQ, vì vậy ĐCSTQ đã chi rất nhiều tiền cho chính sách ngoại giao đô la của mình”, ông Chen nói, đồng thời ông nêu thêm ví dụ về các khoản chi lớn của ĐCSTQ ở các nước đang phát triển ở Châu Phi.

“Chính sách ngoại giao ở nước ngoài của ĐCSTQ tập trung vào chính trị để giúp ĐCSTQ duy trì quyền lực”.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly, Canada đã từ chối cấp thị thực cho một đại diện Trung Quốc vào tháng 3 vì người này là một “đặc vụ chính trị”. Bà nói rằng quyết định ngăn chặn nhập cảnh ngay từ đầu sẽ dễ dàng hơn là trục xuất một nhà ngoại giao sau đó.

Guy Saint-Jacques, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho biết Canada đã lặng lẽ trục xuất một nhà ngoại giao Trung Quốc vào năm 2010 vì các cáo buộc gián điệp, tờ Globe and Mail đưa tin.

Trước đó, vào năm 2006, Ottawa đã trục xuất một nhà ngoại giao vì thu thập thông tin về các học viên Pháp Luân Công ở Canada và xúi giục sinh viên quốc tế Trung Quốc giúp đỡ anh ta trong nỗ lực này, The Epoch Times đã đưa tin vào thời điểm đó.

Stanton nói rằng ông không ngạc nhiên khi Canada không trục xuất thêm bất kỳ nhà ngoại giao nào trong những năm gần đây, bởi Canada không thực sự có chính sách thực tế nào đối với Trung Quốc.

“Những gì chúng ta đang thấy là một chính sách đối ngoại phản ứng lại theo lẽ hiển nhiên đang bị thách thức bởi những rò rỉ thông tin cho giới truyền thông”, ông nói.

“Có lẽ họ [Bắc Kinh] trơ trẽn và bạo dạn hơn vì chưa có bất kỳ hậu quả cụ thể nào đối với hoạt động phi ngoại giao của họ”.


Bài viết của Omid Ghoreishi, một cây viết của The Epoch Times phiên bản Canada. Thiên Thảo’s Blog chuyển ngữ.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

BÀI VIẾT MỚI

Theo dõi Thiên Thảo’s Blog

THEO DÕI BLOG TỪ EMAIL / SUBSCRIBE

Nhập địa chỉ email để theo dõi những bài đăng mới nhất của Thiên Thảo’s Blog.

Tạo một blog trên WordPress.com