Sự kỳ diệu của hệ thống miễn dịch: Cơ thể bạn kháng khuẩn và virus như thế nào?

Hệ thống miễn dịch làm thế nào để kháng virus, vi khuẩn? Những nhân tố nào ảnh hưởng đến sức miễn dịch? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích.

Các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu càng lúc càng nhiều, từ bệnh cúm, SARS cho đến viêm phổi do virus Corona (còn được biết là virus Trung Cộng),… Nếu muốn đề kháng tốt với những bệnh truyền nhiễm này thì hệ thống miễn dịch tự thân sẽ đóng vai trò then chốt. Như vậy, hệ thống miễn dịch trong cơ thể chúng ta sẽ vận hành như thế nào để đối kháng lại các loại virus, vi khuẩn? Những nguyên nhân nào ảnh hưởng đến sức miễn dịch của bạn? Những hình ảnh dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những ví dụ đơn giản dễ hiểu nhất.

Thực ra, hệ thống miễn dịch của cơ thể người rất tinh vi, nó có sự tham dự của rất nhiều loại tế bào miễn dịch. Vai trò của chúng cũng giống như một đội quân trong cơ thể bạn, chuyên phụ trách đối kháng với tất cả sự xâm hại từ các nguồn bệnh khác nhau. Chúng bảo vệ cơ thể khỏe mạnh. Nguồn bệnh là những thứ sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ dẫn đến các loại bệnh tật như: virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng, …

Phòng tuyến thứ nhất của hệ miễn dịch: Da và lông mũi đóng vai trò cách ly vi khuẩn, virus

Phòng tuyến thứ nhất của miễn dịch là những lá chắn vật lý như da, niêm mạc. Chúng sẽ ngăn cách virus, vi khuẩn với cơ thể.

Ảnh minh họa: Health 1 Plus 1 / Epoch Times, Chuyển ngữ: Thiên Thảo’s Blog

Da: Trên da có các cấu tạo tuyến bã nhờn, tuyến mồ hồi, … Tuyến bã nhờn có thể tiết ra các axit béo để sát khuẩn, tuyến mồ hôi có thành phần muối khiến cho da trở thành môi trường bất lợi cho sự sinh tồn của vi khuẩn.

Mắt: Nước mắt sẽ làm trôi các dị vật xâm nhập vào bề mặt nhãn cầu.

Mũi: Lông mũi có thể ngăn cản các dị vật tương đối lớn khi chúng xâm nhập vào lỗ mũi, nước mũi sẽ dính chặt các virus, vi khuẩn tương đối nhỏ; đồng thời bài tiết chúng ra ngoài thông qua việc hắt hơi.

Đường hô hấp: Trong họng, đường hô hấp đều có cùng một loại niêm dịch, sau khi dính chặt các virus, vi khuẩn lại thì những lông gai nhỏ li ti trên bề mặt thành khí quản sẽ chuyển động và vận chuyển các niêm dịch “đóng gói” mầm bệnh về hướng khoang miệng. Chúng sẽ bài xuất ra ngoài bằng cách ho và khạc đàm.

Phòng tuyến thứ hai của hệ miễn dịch: Cơ thể sẽ tự sản sinh ra một loại vật chất kháng virus

Phòng tuyến miễn dịch thứ hai, giống như là “đội tuần tra”, hay như các “ đội quân đồn trú” phòng thủ trên các công sự quan trọng. Những bức “tường thành” này sẽ ngăn chặt nguồn bệnh và nhanh chóng bài xuất chúng ra ngoài cơ thể, các đội “quân đồn trú” sẽ thông qua một số cơ chế, chủ động tấn công nguồn bệnh.

Ví như như trong xoang mũi, họng, khí quản, phế quản, phổi,… đều có các tế bào thượng bì trên bề mặt. Sau khi một bộ phận tế bào thượng bì bị nhiễm bệnh, chúng sẽ sản sinh ra protein interferon.

Interferon là một loại protein quan trọng để kháng lại virus. Sau khi nó kết hợp với những tế bào chưa bị nhiễm, nó có thể khởi động một cơ chế đặc biệt để gây rối loạn sự phân chia của virus, nhằm tiến thêm một bước cản trở sự lây nhiễm lan rộng.

Phòng tuyến thứ ba: Hệ thống miễn dịch bẩm sinh phản ứng nhanh, rộng để ứng phó với các loại vi khuẩn

Virus, vi khuẩn sau khi xâm nhập vào sâu bên trong cơ thể con người, chúng sẽ tiếp tục gặp phải các tuyến phòng ngự tinh vi hơn của hệ miễn dịch. Người ta phân chia thành hai hệ thống: đó là hệ miễn dịch bẩm sinh và hệ miễn dịch chủ động, và cũng được gọi là phòng tuyến thứ 3 và thứ 4 của cơ thể người.

Khi cơ thể gặp nhiễm phải một mầm bệnh không rõ nguồn gốc, hệ thống miễn dịch bẩm sinh sẽ cử các “đội quân phản ứng nhanh”, nếu so sánh với hệ miễn dịch chủ động, thì hệ miễn dịch bẩm sinh có thể đối phó với nhiều chủng loại nguồn bệnh khác nhau, nhưng chúng không thể “giao chiến” trong thời gian dài. Bạch cầu hạt, đại thực bào, tế bào NK (Tế bào sát thủ tự nhiên), hệ thống bổ thể đều là các bộ phận của hệ thống miễn dịch bẩm sinh.

Ảnh minh họa: Health 1 Plus 1 / Epoch Times, Chuyển ngữ: Thiên Thảo’s Blog

Bạch cầu hạt: bao gồm tế bào bạch cầu trung tính, tế bào bạch cầu ưa kiềm, tế bào bạch cầu ưa acid.

Tế bào bạch cầu trung tính là loại bạch cầu có số lượng nhiều nhất trong cơ thể người, tốc độ sản sinh cũng rất nhanh, là đội quân phản ứng nhanh đầu tiên sau khi cơ thể nhiễm bệnh, nó đóng vai trò giống như “cảnh sát thường trực” trong hệ miễn dịch bẩm sinh.

Tế bào bạch cầu ưa acid là loại bạch cầu phát huy công hiệu rất lớn khi kháng lại các loại ký sinh trùng. Bản thân ký sinh trùng là sinh vật đa bào, khó có thể bị “nuốt” bởi các tế bào đại thực. Do vậy các tế bào bạch cầu ưa acid sẽ không tiêu diệt ký sinh trùng bằng cách “nuốt” chúng, mà là bằng cách giải phóng các hợp chất hóa học có khả năng xuyên qua tế bào để tấn công vào nguồn bệnh, cho nên  – vai trò của tế bào bạch cầu ưa acid có thể ví như “nhân viên khử độc”.

Tế bào bạch cầu ưa kiềm sẽ giải phóng các chất hóa học dẫn đế phản ứng phát viêm của cơ thể, chúng là nhân tố gây nên những phản ứng mẫn cảm thường thấy, vai trò của chúng cũng giống như “nhân viên khử độc”, nhưng điểm khác biệt là chúng hay xuất hiện kịp thời và nhanh chóng ở những “điểm nóng”.

 Tế bào đại thực có chức năng “tác dụng bao vây” và “nuốt”, chúng có thể “nuốt” một lượng lớn các nhân tố gây bệnh. Vai trò của chúng cũng giống như các tế bào bạch cầu trung tính, nhưng chúng có năng lực tấn công mạnh đối với nguồn bệnh, và có thể kháng khuẩn trong thời gian lâu.

Ngoài tế bào đại thực ra, thì các tế bào đuôi gai cũng có khả năng “nuốt” các nguồn lây bệnh.

Sau khi tế bào đại thực và tế bào đuôi gai nuốt các nguyên thể gây bệnh, chúng sẽ tiến hành “phân tích đánh giá” các thông tin về nguồn bệnh này, sau đó sẽ nhanh chóng gửi tín hiệu đến “tuyến sau” là hệ miễn dịch chủ động, để cho các “đồng đội tuyến sau” có phương án đối phó chính xác với “quân địch”. Chúng chính là “binh chủng thông tin” – cầu nối liên lạc giữa hệ miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch chủ động. Tuy rằng chức năng tương tự nhau (đều có khả năng “nuốt”), nhưng cả hai loại tế bào này có một chút khác biệt: khả năng “bao vây, trấn áp” của tế bào đại thực khá mạnh, giống như “cảnh sát chống bạo động”, mà tế bào đuôi gại lại có thế mạnh về phân tích và đưa tin tình báo, do vậy có thể ví chúng như các “nhân viên thông tin” hoặc “điệp viên tình báo”.

Tế bào NK (còn gọi là tế bào sát thủ tự nhiên): Là một trong những “binh chủng tiên phong”, chủ yếu phụ trách tiêu diệt nhanh chóng các tế bào đã bị nhiễm virus và những tế bào đã biến dị trong cơ thể. Vì đặc tính “phản ứng nhanh, tiêu diệt gọn này” nên ta có thể ví chúng như lực lượng “cảnh sát đặc nhiệm”.

Hệ thống bổ thể trong cơ thể cũng giống như các loại trang bị, đạn dược, quân nhu; chúng là “công cụ” để tiêu diệt các dạng nguồn bệnh, vi khuẩn, virus hoặc các tế bào bất thường. Ngoài ra chúng còn có tác dụng “điều hòa”, có thể thúc đẩy năng lực “nuốt” cách nguồn bệnh của các tế bào đại thực. Nói một cách khác, nếu như ví nguồn bệnh là “cơm trắng” thì bổ thể cũng giống như “gia vị” để kích thích các tế bào đại thực “nuốt” chúng nhanh và nhiều hơn. Ngoài ra hệ thống bổ thể cũng có thể thúc đẩy các phản ứng miễn dịch khác, như: phản ứng phát viêm, sản sinh và phân phối các vật chất có tác dụng miễn dịch,…

Phòng tuyến thứ tư – Hệ thống miễn dịch chủ động: ghi nhớ hình dáng của virus, tránh mắc bệnh lần sau.

Hệ thống miễn dịch chủ động, là những đội quân được huấn luyện chuyên nghiệp có năng lực tiêu diệt đối với các loại mầm bệnh khác nhau, chúng là các “binh đoàn đặc chủng” (có tính miễn dịch đặc biệt).

Ảnh minh họa: Health 1 Plus 1 / Epoch Times, Chuyển ngữ: Thiên Thảo’s Blog

Khi cơ thể bị nhiễm nguồn bệnh không xác minh, hệ thống miễn dịch tự nhiên sẽ hành động trước tiên, đồng thời chúng còn có một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là “nhận dạng” thông tin và đặc điểm của nguồn bệnh, đồng thời phát cảnh báo đến hệ thống miễn dịch chủ động, yêu cầu “điều quân” nhanh chóng để đối phó với nguồn bệnh. Những “binh đoàn đặc chủng” này chủ yếu bao gồm Tế bào TTế bào B.

Sau khi hệ thống miễn dịch bẩm sinh khởi động, các tế bào gai và tế bào đại thực sẽ bắt đầu nuốt các nguồn bệnh, đồng thời sẽ tiến hành phân tích, nhận dạng và gửi những thông tin quan trọng này cho tế bào T.

Sau khi các tế bào T nhận được các thông tin này, chúng sẽ bắt đầu nhắm mục tiêu vào các nguồn bệnh có đặc trưng riêng, đồng thời sẽ “phát lệnh” cho các tế bào B sản sinh ra kháng thể. Quan trọng hơn, tế bào B và tế bào T có khả năng “ghi nhớ” đặc trưng riêng của các nguồn bệnh từng xâm nhập vào cơ thể; nếu lần sau lại “lâm trận” thì “binh đoàn đặc chủng” này sẽ không cần đến sự thông báo của hệ miễn dịch tự nhiên mà chúng sẽ trực tiếp phản ứng nhanh để tấn công kẻ xâm nhập.

6 nhân tố lớn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn

Vai trò của hệ miễn dịch như một đội quân trong cơ thể bạn, đối kháng với tất cả sự xâm hại từ các nguồn bệnh khác nhau (Ảnh: Shutterstock)

Hệ thống miễn dịch được điều phối, phân công, phối hợp của rất nhiều các loại tế bào. Như vậy, cơ thể chúng ta mới có được một cơ chế phòng thủ hoàn chỉnh. Mà sức mạnh của hệ miễn dịch sẽ chịu ảnh hưởng của nhân tố nào?

Tuổi tác: Hệ thống miễn dịch sẽ dần thoái hóa theo tuổi tác, nguyên nhân là vì tuyến ức và tủy xương đã bắt đầu lão hóa, nên khả năng sản sinh ra tế bào B và tế bào T dần dần sụt giảm. Do vậy, người già khi tiêm vaccine sẽ có sức miễn dịch kém hơn người trẻ tuổi và trẻ em.

Ăn uống: Ăn uống cân bằng, dinh dưỡng đầy đủ là một mắt xích then chốt để nâng cao sức đề kháng. Để tạo ra các tế bào miễn dịch, kháng thể, những enzyme phụ kiện,… đều cần phải có nguyên liệu, những vật chất này đều được lấy từ những thứ mà chúng ta ăn uống hàng ngày.

Giấc ngủ: Ngủ đủ giấc có thể giúp chúng ta duy trì sức miễn dịch mạnh, rất nhiều nghiên cứu đã chứng mình sự tính liên quan giữa giấc ngủ và sức miễn dịch là rất cao. Ví như, trường Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ đã từng làm qua thí nghiệm, phát hiện rằng những người có chất lượng giấc ngủ không tốt thường dễ bị cảm. Ngoài ra, một nghiên cứu khác về miễn dịch cũng đã phát hiện, sau khi chích vaccine thì những người có giấc ngủ đầy đủ thì hàm lượng kháng thể được tạo ra sẽ nhiều hơn những người không ngủ đủ giấc.

Thuốc men: Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài, ví như thuốc kháng viêm có steroid sẽ áp chế phản ứng miễn dịch của cơ thể, khiến cho khả năng đối kháng với vi khuẩn giảm sút, như vậy nếu như cơ thể nhiễm bệnh thì có thể khiến cho quá trình diễn tiến bệnh kéo dài.

Vận động: Vận động vừa phải có thể tăng cường khả năng tuần hoàn của cơ thể, thúc đẩy huyết dịch lưu thông, đồng thời tăng cường sức miễn dịch. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy những hoạt động như ngồi thiền, tĩnh tâm,… cũng có thể làm gia tăng số lượng vật chất miễn dịch, ví như các Interleukin (các vật chất kết nối thông tin giữa các tế bào), các yếu tố hoại tử u alpha,…

Áp lực: Con người trong trạng thái áp lực, cơ thể sẽ tiết ra nhiều cortisol hơn mức bình thường. Sự gia tăng cortisol tức thời này có thể làm gia tăng sức miễn dịch. Tuy nhiên, qua một thời gian lâu, nến như cơ thể đã quen với mức cortisol cao trong máu thì hệ thống miễn dịch ngược lại sẽ bị giảm sút, hơn nữa chúng sẽ ngăn chặn sự sinh sản của các tế bào T.

Theo Health 1 Plus 1 và Epoch Times

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

BÀI VIẾT MỚI

Theo dõi Thiên Thảo’s Blog

THEO DÕI BLOG TỪ EMAIL / SUBSCRIBE

Nhập địa chỉ email để theo dõi những bài đăng mới nhất của Thiên Thảo’s Blog.

Tạo một blog trên WordPress.com