Daily Telegraph ngừng xuất bản chuyên mục China Watch của Bắc Kinh

Daily Telegraph – một tờ báo lớn có trụ sở tại Anh – đã ngừng xuất bản các bài báo tuyên truyền có phí cho truyền thông nhà nước Trung Quốc. Hành động này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về cách Bắc Kinh sử dụng đại dịch để gia tăng ảnh hưởng của mình lên các phương tiện truyền thông tiếng Anh nhắm vào khán giả phương Tây.

Tờ The Guardian cho biết chuyên mục China Watch (Theo dõi Trung Quốc), từ lâu được tài trợ bởi China Daily (Nhật báo Trung Quốc – một hãng truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc), đã xuất hiện trên tờ Telegraph (phiên bản báo giấy lẫn báo mạng) trong hơn một thập kỷ. Nội dung được viết bởi các nhà báo nhà nước Trung Quốc dưới sự kiểm duyệt của chế độ, luôn thể hiện quan điểm lạc quan về vị trí của Trung Quốc trên thế giới.

Trong những ngày gần đây, nội dung của chuyên mục China Watch đã bị xóa khỏi trang web của Telegraph, phần chuyên mục tin Trung Quốc đăng lại từ Nhân dân Nhật báo – cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ – cũng đã bị xóa.

Các bài báo đã bị Telegraph xóa có tiêu đề như: “Why are some framing China’s heroic efforts to stop coronavirus as inhumane?” (Tại sao một số đối tượng lại đóng khung nỗ lực anh hùng của Trung Quốc để ngăn chặn coronavirus là vô nhân đạo?), “Traditional Chinese medicine ‘helps fight coronavirus” (Y học cổ truyền Trung Quốc giúp chống lại coronavirus), “Coronavirus outbreak is not an opportunity to score points against China” (Dịch bệnh coronavirus không phải là cơ hội để ghi điểm trước Trung Quốc).

Telegraph không bình luận về lý do vì sao không còn chạy các tuyên truyền có phí từ Trung Quốc, một báo cáo của Hiệp hội báo chí tự do Hong Kong (HKFP) cho rằng Telegraph đã được trả khoảng 750.000 bảng Anh mỗi năm để đưa tin của China Daily. Tương tự các hãng tin còn lại của ngành báo chí, Telegraph cũng đang chiến đấu với cả sự sụt giảm doanh số báo giấy do ảnh hưởng của đại dịch, và sự sụp đổ trên thị trường quảng cáo.

Việc Telegraph loại bỏ các chuyên mục tuyên truyền sinh lợi này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn cải thiện vị thế của mình với khán giả phương Tây giữa đại dịch, với sự đầu tư đáng kể của chế độ vào kênh tin tức CGTN (Mạng lưới Truyền hình Trung Quốc Toàn cầu) và vai trò ngày càng tăng của các nhà ngoại giao Trung Quốc đang sử dụng tiếng Anh trên Twitter để đưa ra các phát ngôn gây tranh cãi.

Đổi lại, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng của các bộ phận truyền thông Anh quốc. Daily Mail đã dành những tuần gần đây báo cáo về các mối đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia nước Anh.

Telegraph đã đăng tải nhiều bài viết quan trọng về Trung Quốc kể từ ngày đầu của đại dịch. Sophia Yan, phóng viên chuyên tin Trung Quốc của tờ báo, gần đây đã dành một tuần ở Vũ Hán để báo cáo những nghi ngờ về số người chết chính thức do coronavirus, theo đó con số tổng thực sự có thể cao hơn rất nhiều so với con số chính quyền đang thừa nhận.

Một bài bình luận khác có tiêu đề The Left have become China’s useful covidiots (Cánh tả đã trở thành những kẻ ngu ngốc có ích của Trung Quốc) nói rằng “Những lời nói dối và che đậy cho ĐCSTQ” đã đóng một vai trò trong việc khiến virus lây lan khắp thế giới. Telegraph cũng đã báo cáo về cách truyền thông nhà nước Trung Quốc mua các tin tích cực về mình thông qua các quảng cáo trên Facebook.

Các hãng tin tức lớn khác trên toàn cầu cũng có chuyên mục China Watch do truyền thông nhà nước Trung Quốc đứng sau bỏ tiền vận hành, trong đó có Wall Street Journal. WSJ không trả lời yêu cầu bình luận của The Guardian về việc có tiếp tục duy trì chuyên mục này hay không khi nó không được cập nhật trong nhiều tuần qua.

Gần đây, New York Times đã thực hiện một chuyên mục tương tự China Watch nhưng một phát ngôn viên của tờ này cho biết hồi đầu năm nay, NYT đã đưa ra quyết định “ngừng nhận các quảng cáo nội dung xuất phát từ truyền thông nhà nước, trong đó có China Daily”. Washington Post vẫn còn chạy chuyên mục China Watch mặc dù trước đó  xác nhận mình đã dừng hoạt động của chuyên mục này kể từ năm ngoái.

New York Times, Wall Street Journal và Washington Post cũng chính là ba cơ quan báo chí của Mỹ gần đây có các phóng viên thường trú tại Trung Quốc bị trục xuất.

Nhật báo China Daily của ĐCSTQ đã bỏ tiền vận hành chuyên mục tuyển tập các bài viết tiếng Anh dưới tên gọi China Watch không chỉ ở các kênh truyền thông của Mỹ, mà các thỏa thuận tương tự để in lại các tuyên truyền thân Trung cũng đã tấn công các tờ báo trên khắp thế giới, bao gồm các hãng tin ở Úc, Pháp và Đức.

Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt tay chống lại nguồn tin giả của ĐCSTQ. Trong buổi hội thảo chiếu phim của Hội đồng Đại Tây Dương (The Atlantic Council) ở thủ đô Washington DC vào ngày 31 tháng 3, Phát ngôn viên Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi quyết định sẽ không để yên cho nguồn tin tức giả dối, đặc biệt là những tin tức đến từ các quan chức Trung Quốc”. Trên thực tế, ĐCSTQ đã thông qua lợi ích tài chính để tác động các kênh truyền thông nổi tiếng tại Mỹ, lan truyền những tin tức “tích cực” có lợi cho chế độ để tác động, định hướng tư tưởng của người Mỹ.

Một báo cáo của tờ Financial Times vào ngày 9 tháng 6 năm 2016 cho biết ngân sách mà ĐCSTQ sử dụng cho chính sách tuyên truyền đối ngoại lên đến 10 tỷ USD mỗi năm, theo số liệu tính toán của Giáo sư Khoa chính trị David Shambaugh thuộc Đại học George Washington.

Theo báo cáo China’s Pursuit of a New World Media Order (Trật tự mới về truyền thông thế giới mà Trung Quốc theo đuổi) của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) nói về một thập kỷ bành trướng truyền thông ở hải ngoại của ĐCSTQ, tham vọng quyền lực mềm này ít được biết đến hơn Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng nó đã đặt ra một mối đe dọa đối với tự do báo chí trên toàn thế giới. Theo báo cáo, China Watch chính là chiêu trò “con ngựa thành Troy kiểu mới” giúp Bắc Kinh tiến hành tuyên truyền đến các nhân vật có sức ảnh hưởng ở giới tinh anh trên toàn thế giới.

Ông Cédric Alviani, Giám đốc điều hành Văn phòng Đông Á của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), cho biết những bài báo được chèn ghép trong China Watch do chính quyền Trung Quốc chủ ý chọn lọc và các đối tượng nhắm vào là “những người có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội, những người đưa ra chính sách, những người đặt định chính sách cho đến những người muốn lợi ích kinh tế”.

“Theo tinh thần của chế độ cầm quyền Bắc Kinh, các nhà báo không nên là một thế lực chống đối mà nên là công cụ phục vụ cho việc tuyên truyền của các nhà nước. Nếu các nền dân chủ không kháng cự, Bắc Kinh sẽ áp đặt quan điểm và tuyên truyền của mình, đó là một mối đe dọa cho báo chí và dân chủ”, theo ông Splhe Deloire, Tổng thư ký của RSF.


Nguồn tham khảo:

The Guardian: Daily Telegraph stops publishing section paid for by China

RSF (Reporters Without Borders): China’s Pursuit of a New World Media Order

Chế độ Trung Quốc sử dụng quảng cáo Facebook để tấn công nước Mỹ, truyền bá thông tin sai lệch về virus

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

BÀI VIẾT MỚI

Theo dõi Thiên Thảo’s Blog

THEO DÕI BLOG TỪ EMAIL / SUBSCRIBE

Nhập địa chỉ email để theo dõi những bài đăng mới nhất của Thiên Thảo’s Blog.

Tạo một blog trên WordPress.com