Lặng im: Câu chuyện về những công dân bị đàn áp vì nói lên sự thật

Kể từ tháng 12 năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bịt miệng nhiều công dân, những người đã tìm cách tiết lộ tình hình thực sự của đợt bùng phát virus Trung Cộng bắt nguồn từ Vũ Hán. Những người bị đàn áp bao gồm các bác sĩ, nhà báo công dân, học giả và doanh nhân – họ đã mạo hiểm tiết lộ thông tin. Và sau đây là một số câu chuyện của họ.

The Epoch Times gọi tên virus corona chủng mới, nguyên nhân gây ra bệnh COVID-19, là virus Trung Cộng vì sự che đậy và quản lý sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm cho virus lây lan khắp Trung Quốc và bùng phát thành đại dịch toàn cầu.

Các bác sĩ “thổi còi” (tức tiết lộ thông tin bí mật)

Lý Văn Lượng (Li Wenliang)

US-CHINA-HEALTH-VIRUS
Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ của họ tổ chức một buổi tưởng niệm Bác sĩ Lý Văn Lượng, người thổi còi cảnh báo Virus Trung Cộng có nguồn gốc từ Vũ Hán, bên ngoài khuôn viên Đại học California ở Westwood, California, vào ngày 15 tháng 2, 2020. (MARK Ralston / AFP qua Getty Images)

Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, là một trong những người đầu tiên công khai thông tin về dịch bệnh ở Vũ Hán.

“Bảy ca nhiễm một loại bệnh giống SARS (hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) từ chợ hải sản Hoa Nam (Huanan) đã được xác nhận”, vị bác sĩ viết trong nhóm trò chuyện gồm hàng trăm bạn học cũ từ trường y của mình trên WeChat. Anh đã đính kèm một ảnh chụp màn hình bản báo cáo chẩn đoán.

Đó là ngày 30/12/2019, một ngày trước khi các quan chức y tế Vũ Hán thừa nhận có một căn bệnh viêm phổi do một loại virus bí ẩn gây ra đang bùng phát.

Mặc dù bác sĩ Lý đã nhắc nhở bạn bè của mình “không được lan truyền ra ngoài” nhưng ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện hiển thị họ tên của anh đã lan truyền nhanh chóng trên Internet. Vào ngày 03/01/2020, cảnh sát đã cảnh cáo anh cùng bảy chuyên gia y tế khác vì đã lan truyền “tin đồn” trên mạng.

Tuyên bố của phía cảnh sát nói rằng anh đã vi phạm pháp luật.

“Sở Công an hy vọng anh Lý có thể chủ động hợp tác với công việc của chúng tôi, lắng nghe lời nhắc nhở của cảnh sát và dừng các hoạt động bất hợp pháp từ bây giờ. Anh có thể làm được điều đó không?”. Bác sĩ Lý viết “Có”.

Vài ngày sau, bác sĩ Lý bị nhiễm virus khi đang phẫu thuật cho một bệnh nhân tăng nhãn áp, khi đó bệnh nhân này không biểu hiện triệu chứng viêm phổi. Bác sĩ Lý qua đời vào ngày 07/02, để lại một người vợ đang mang thai và một đứa con trai nhỏ. Bị chấn động bởi cái chết của anh, cư dân mạng Trung Quốc đã thức đêm để tang anh và bắt đầu kêu gọi tự do ngôn luận trên diện rộng.

Ít nhất 200 nhân viên y tế tại bệnh viện mà bác sĩ Lý làm việc đã nhiễm virus. 03 đồng nghiệp của anh đã chết.

Vào ngày 19/3, cảnh sát Vũ Hán đã rút lại tuyên bố về bác sĩ Lý và đưa ra lời xin lỗi, nói rằng họ sẽ “sâu sắc rút bài học” về sự cố.

Ngải Phân (Ai Fen)

dr-ai-fen_crop
Ảnh: Renwu/Weibo

Ngải Phân là một bác sĩ phẫu thuật cấp cứu tại bệnh viện và là “người cung cấp thông tin cho người thổi còi”. Cô chính là người đã đưa báo cáo chẩn đoán cho bác sĩ Lý. Nhận thấy virus có thể truyền nhiễm, cô yêu cầu mọi người trong khoa cấp cứu phải đeo khẩu trang.

Cảnh sát đã không tóm cô như họ đã làm với bác sĩ Lý. Tuy nhiên, cô chia sẻ mình đã bị các cấp trên “khiển trách rất gay gắt, chưa từng có tiền lệ”.

“Nhiều lần, tôi đã nghĩ nếu chúng ta có thể quay ngược thời gian thì sẽ tốt biết mấy”, cô nói với tạp chí Portrait Trung Quốc. Cô chia sẻ bản thân mình thấy hôi hận vì đã không nói với nhiều bác sĩ hơn về mối nguy hiểm của căn bệnh này.

“Nếu tôi biết ngày hôm nay sẽ như thế này thì tôi đã nói với bất cứ ai ở bất cứ nơi nào về căn bệnh, cho dù tôi có bị chỉ trích hay không”, cô nói.

“Ai đó phải đứng lên và nói sự thật… Phải có những tiếng nói khác nhau trong thế giới này, đúng không?”, cô bày tỏ.

Video bác sĩ Lý Văn Lượng và Ngải Phân

Nhà báo công dân

Phương Bân (Fang Bin)

fang-bin-600x360-1
Phương Bân trong một video đăng tải ngày 4/2/2020. (Screenshot/YouTube)

Phương Bân là một nhân viên bán quần áo ở Vũ Hán. Anh bắt đầu quay lại những chuyến đi của mình đến các bệnh viện ở Vũ Hán và đăng các video lên mạng hồi cuối tháng 1. Các cảnh quay cho thấy những hàng dài người xếp bên ngoài bệnh viện, những bệnh nhân đang cố bám víu lấy sự sống và những thân nhân của bệnh nhân đang quẫn trí.

Trong một video thu hút nhiều người xem, anh đếm tám túi đựng thi thể trong một chiếc xe tải đậu bên ngoài một bệnh viện. “Rất nhiều người chết”, anh nói trong tiếng thở dài. “Đây là quá nhiều”, anh nói rồi đi vào một phòng bệnh, nơi anh quay lại cảnh các bác sĩ đang đứng quanh một bệnh nhân có vẻ như vừa qua đời.

Anh hỏi một người thanh niên: “Ông ấy là ai?”. Người này khóc vừa nói “Cha tôi”. Sau khi nói chuyện với các bác sĩ, anh Phương cho biết người đàn ông ấy đã mất.

Tối hôm đó, khoảng 06 người đàn ông mang khẩu trang và đồ bảo hộ đã gõ cửa nhà anh Phương, yêu cầu kiểm tra thân nhiệt của anh. Anh đã ghi âm vụ việc, anh nói rằng thân nhiệt của anh bình thường và yêu cầu họ phải có lệnh kiểm tra. Những người đàn ông này đã xông vào nhà anh, tịch thu các thiết bị điện tử và đưa anh đến một đồn cảnh sát. Sau này khi được thả ra, anh nói rằng cảnh sát đã chất vấn anh về các video.

Chưa đầy hai tuần sau, anh lại mất tích. Bạn bè của anh nói với Thời báo Epoch Times rằng anh đã bị giam giữ.

Video nhà báo công dân Phương Bân

Trần Thu Thực (Chen Qiushi)

China Outbreak Citizen Journalists
Nhà báo công dân Trung Quốc Trần Thu Thực nói trước một trung tâm hội nghị được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán vào ngày 4/2/2020. (Ảnh từ AP)

Trần Thu Thực, một luật sư 34 tuổi ở miền đông Trung Quốc chuyển nghề thành nhà báo công dân, đã đến Vũ Hán vào ngày 24/01, một ngày sau khi thành phố bị phong toả. Trang bị bên mình một chiếc điện thoại thông minh, anh nói rằng anh muốn ghi lại những câu chuyện về các cư dân trong lòng thành phố đóng cửa.

“Bạn là loại nhà báo nào nếu bạn không dám ra tiền tuyến?”, anh nói trong video đầu tiên của mình ở Vũ Hán được quay bằng gậy selfie ở ga xe lửa, nơi anh vừa xuống tàu.

Chỉ trong hơn hai tuần, anh đã công bố hơn 100 bài đăng thu hút hàng triệu lượt xem trên tài khoản YouTube và Twitter của mình, cả hai ứng dụng mạng xã hội này đều bị cấm ở Trung Quốc. Anh đã quay lại các cuộc phỏng vấn với những người dân địa phương đã mất người thân, cảnh các bệnh nhân nằm trên giường bệnh tạm thời dọc hành lang bệnh viện. Anh cho biết một thi thể bọc trong một tấm chăn đã bị bỏ lại bên ngoài phòng cấp cứu.

Tại một bệnh viện, một người phụ nữ đeo khẩu trang giữ cơ thể của người thân trên xe lăn, đầu của ông ấy gục xuống.  “Ông ấy bị sao vậy?”, anh hỏi người phụ nữ và nhận được câu trả lời “Ông ấy đã qua đời rồi”.

Và việc ghi hình bên trong lòng thành phố Vũ Hán đã khiến anh gặp nguy hiểm.

“Tôi sợ. Trước mặt tôi là virus. Đằng sau tôi là quyền lực hành pháp của Trung Quốc”, anh nói trong một video cảm động người xem được quay trong phòng khách sạn của mình vào ngày 30/01.

Anh chia sẻ rằng chính quyền đã quấy rối cha mẹ anh, điều tra vị trí của anh. Anh nói trong nước mắt khi chỉ vào camera: “Tôi không sợ chết. Tại sao tôi phải sợ các anh, Đảng Cộng sản?”.

Vào ngày 07/02, trong một video được chia sẻ trên tài khoản Twitter của anh, mẹ anh cho biết anh đã mất tích một ngày trước đó. Bạn của anh, Xu Xiaodong – một võ sĩ nổi tiếng, đã nói trong một video trên YouTube rằng Phương Bân đã bị cưỡng chế cách ly dù không có dấu hiệu nào của các triệu chứng viêm phổi Vũ Hán.

Video nhà báo công dân Trần Thu Thực

Lý Trạch Hoa (Li Zehua)

li-zehua-600x338-1

Lý Trạch Hoa là một cựu phát thanh viên của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. Anh 25 tuổi và là blogger thứ ba bị bắt tại tâm dịch Vũ Hán.

“Tôi không muốn nhắm mắt và bịt tai mình lại… Tôi đang làm điều này để giúp những người trẻ tuổi như tôi có thể đứng lên”, anh nói đầy nhiệt huyết trong một video phát trực tiếp trên YouTube. Video này được quay trước khi cảnh sát vào khách sạn và bắt giữ anh.

Anh Lý đến Vũ Hán một mình bằng tàu hỏa vào ngày 12/02, lần theo dấu vết của Trần Thu Thực và Phương Bân – những người đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ. Đó không phải là “sự trùng hợp ngẫu nhiên”, anh nói trong video đầu tiên trên YouTube rằng khách sạn đầu tiên mà anh đến nằm ngay cạnh nơi mà Trần Thu Thực từng tá túc.

Hơn hai tuần sau, trước khi bị cảnh sát bắt, anh đã đến thăm khu dân cư Baibuting – nơi nhiều người bị nhiễm bệnh sau khi tham dự một bữa tiệc tất niên lớn vào ngày 18/1, quay lại cảnh phỏng vấn một nhân viên nhà tang lễ và đi đến nhà ga xe lửa địa phương – nơi người lao động nhập cư được cho là đang bị mắc kẹt ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, trên đường trở về từ một phòng thí nghiệm virus địa phương, anh nhận ra mình đang bị truy đuổi. “Tôi đang lái xe rất nhanh… Xin hãy giúp tôi”, anh nói một cách khó khăn dưới lớp khẩu trang.

Vài giờ sau, cảnh sát mặc thường phục gõ cửa phòng khách sạn của anh.

Đầu tiên anh từ chối cho họ vào. Anh bật máy ảnh lên và bắt đầu ám chỉ đến cuộc biểu tình dân chủ ở Thiên An Môn do sinh viên lãnh đạo năm 1989 đã kết thúc đẫm máu sau khi Bắc Kinh nổ súng và cho xe tăng vào xử lý. Anh bày tỏ nỗi buồn về sự thiếu hiểu biết của giới trẻ Trung Quốc đối với lịch sử cận đại, các cuộc biểu tình là một chủ đề bị kiểm duyệt gay gắt ở Trung Quốc.

“Tôi cảm thấy chuyện tôi bị bắt và bị đưa đi cách ly là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng tôi muốn làm rõ điều này: Tôi không xấu hổ khi phải đối mặt với chính mình và cha mẹ tôi, Đại học Truyền thông Trung Quốc – nơi tôi tốt nghiệp, và đất nước này”, anh nói ngắn gọn trước khi mở cửa cho cảnh sát vào. Cảnh sát đã tịch thu điện thoại và máy tính xách tay của anh, đồng thời cắt tín hiệu.

Video nhà báo công dân Lý Trạch Hoa

Doanh nhân

Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang)

2006 High-End Economic Forum Held In Chengdu
Ông Nhậm Chí Cường trong Diễn đàn kinh tế cao cấp năm 2006 tại Câu lạc bộ quốc tế Luxehills ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 7/1/2006. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Được truyền thông Trung Quốc gắn cho biệt danh “đại bác” vì những lời chỉ trích mạnh mẽ không chút kiêng dè của mình, ông trùm bất động sản Trung Quốc 69 tuổi Nhậm Chí Cường đã mất tích vài ngày sau khi có phát ngôn nhắm vào chế độ Bắc Kinh.

Trong một bài viết mạnh mẽ được đăng tải trên Internet vào đầu tháng 3, ông đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc về việc xử lý dịch bệnh và kiểm duyệt thông tin Internet.

“Sự bùng phát của viêm phổi Vũ Hán đã chứng minh một thực tế: Khi tất cả các phương tiện truyền thông “mang họ Đảng” thì người dân bị bỏ rơi”, ông viết.

“Khi không có truyền thông đại diện cho quyền lợi của nhân dân và đưa tin tức sự thật, người dân bị bỏ đó khi đối mặt với tác hại của cả virus và một hệ thống bệnh hoạn trầm trọng”.

Ông Nhậm đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã ca ngợi những thành tựu của chế độ trong một cuộc họp qua điện thoại của các nhà lãnh đạo cấp cao diễn ra vào tháng 2. “Từ trận dịch, có thể thấy sự thật là Đảng đang bảo vệ lợi ích của chính mình”, ông nói.

“Không có cuộc điều tra nào về các nguyên nhân của dịch bệnh, không ai phản ánh và nhận trách nhiệm. Thay vào đó, họ cố gắng che đậy sự thật bằng tất cả thể loại thành tựu ‘vĩ đại’”, ông nói.

Vào ngày 12/3/2020, ông Nhậm trở thành nhà bất đồng chính kiến.

Ông không phải là người duy nhất gần đây bị trừng phạt vì chỉ trích cách chính quyền Trung Quốc ứng phó với đại dịch. Cựu giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), một nhà luật học của đại học danh tiếng Thanh Hoa, đã bị quản thúc tại gia sau khi ông công bố một bài báo có tựa đề “Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi” vào đầu tháng 2, trong bài viết này, ông đã tố cáo thói đạo đức giả của chế độ.

“Rõ ràng lòng dân phẫn nộ đang cao trào như núi lửa vì cái cách xử lý dịch bệnh đang hoành hành, người dân phẫn nộ và họ có thể, cuối cùng, sẽ gạt bỏ nỗi sợ hãi qua một bên”, ông viết.

xu-zhangrun
Cựu giáo sư đại học Thanh Hoa Hứa Chương Nhuận (Ảnh: Wikipedia)

Thiên Thảo’s Blog biên dịch báo cáo đặc biệt của Epoch Times về virus Trung Cộng. Các video (có phụ đề tiếng Việt) về các nhân vật được Blogger tìm kiếm từ Youtube để cung cấp thêm thông tin trực quan cho độc giả, không nằm trong báo cáo gốc của Epoch Times. 

Chú thích ảnh nền: Một sĩ quan cảnh sát đi qua các áp phích dán trên hàng rào của Văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông vào ngày 19/02/2020. Các áp phích thể hiện hình ảnh của các nhà hoạt động nói lên sự thật về dịch viêm phổi Vũ Hán đang bị giam giữ tại Trung Quốc. (Nguồn: Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)

2 bình luận cho “Lặng im: Câu chuyện về những công dân bị đàn áp vì nói lên sự thật”

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

  1. Ảnh đại diện Virus gây ra đại dịch toàn cầu nên có một cái tên đúng đắn – THIÊN THẢO 'S BLOG

    […] Vũ Hán vào đầu tháng 12, nhưng họ đã giữ kín thông tin này trong 6 tuần. Họ bắt giữ những người dân đã cố gắng cảnh báo về mối nguy hiểm của căn bệnh gây ra do virus, họ cáo […]

    Thích

  2. Ảnh đại diện Phỏng vấn tuyến đầu: Dịch bệnh diễn biến xấu ở Trung Quốc, Trung cộng quản chế gây nhiều tranh cãi – Thiên Thảo’s Blog

    […] đến cả các ban bệ chả liên quan gì đến vấn đề dịch bệnh như Công an đã cực lực bịt miệng, đả kích những người dân dám nói lên sự thật như bác sĩ Lý Văn Lương, Ngãi Phấn, v.v….”, ông Trương […]

    Thích

BÀI VIẾT MỚI

Theo dõi Thiên Thảo’s Blog

THEO DÕI BLOG TỪ EMAIL / SUBSCRIBE

Nhập địa chỉ email để theo dõi những bài đăng mới nhất của Thiên Thảo’s Blog.

Tạo một blog trên WordPress.com