Bắc Kinh đả kích “kinh tế vỉa hè” của Lý Khắc Cường, nội bộ Đảng phân hóa?

Trong khoảng thời gian gần đây, cụm từ lý thuyết “Kinh tế vỉa hè” (street vendor economy) của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang trở thành hiện tượng trên mạng truyền thông và thu hút nhiều sự quan tâm, thảo luận của công chúng.

Trong cuộc họp báo dựa trên video tại Bắc Kinh vào ngày 28/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường giải thích rằng vấn đề thất nghiệp và nghèo đói của Trung Quốc đã trầm trọng hơn bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Theo đó, ông gợi ý rằng người dân có thể bán hàng rong để kiếm sống.

“Khoảng hai tuần trước, tôi đã đọc một báo cáo cho biết một thành phố phía tây Trung Quốc đã thiết lập 36.000 gian hàng bán điện thoại dạo. Trong một đêm, khoảng 100.000 người có việc làm (bán hàng bên đường)… Các quầy hàng trên đường phố và các cửa hàng nhỏ là nguồn việc làm quan trọng. Cũng như các ngành công nghiệp lớn và cao cấp, chúng cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước”, ông Lý nói. Sau bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc, các thành phố ở đại lục đã dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng rong và khuyến khích mọi người thành lập quầy hàng.

Wuhan's Catering Trade Shows Recovery After Coronavirus Outbreak
Một người bán crawfish ngồi trên đường Jiqing ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 5 tháng 6 năm 2020. (Getty Images)

Tuy nhiên, vào ngày 7/6, nhiều kênh truyền thông lề đảng đã đăng tải nhiều bài viết với giọng điệu hạ nhiệt, đả kích, dìm dập, thậm chí còn gỡ những bài viết có liên quan đến kinh tế vỉa hè. Cộng đồng mạng lan truyền rằng Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan đang nằm trong tay Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Vương Hỗ Ninh, người được xem là quốc sư lý luận cộng sản của chế độ – vào ngày 4/6 đã truyền lệnh cấm đối với lý thuyết kinh tế vỉa hè của ông Lý Khắc Cường.

Ngày 7/6, tờ báo nhà nước Bắc Kinh Nhật báo (Beijing Daily) đã trực tiếp cất giọng dìm dập lý thuyết “kinh tế vỉa hè” của Thủ tướng Trung Quốc, nói rằng kinh tế vỉa hè không thích hợp với Bắc Kinh.

Bài báo này dẫn nguyên văn một bài viết ngắn đưa ra “bản đồ kinh tế vỉa hè” (trước đó được cho là giả mạo nhằm tung tin đồn) và nói rằng 109 địa điểm phục vụ buôn bán này trên thực tế là địa điểm tập trung của những hàng quán vô trật tự trong nhiều năm, những năm trở lại đây trên cơ bản đã được cơ quan chức năng xử lý.

Bài báo nói rằng chuyện kinh tế vỉa hè có phù hợp với một thành thị nào đó hay không thì phải căn cứ vào vị thế của thành phố đó mà đưa ra phán đoán và lựa chọn, không thể mù quáng mà đi theo. Đồng thời, bài báo cũng đưa ra hàng loạt dạng tệ nạn mà kinh tế vỉa hè đem lại cho khu vực, bao gồm “đường phố mất vệ sinh, giả mạo tràn lan, ồn ào mất trật tự, bán buôn lan tràn, gây ách tắt giao thông, v.v…” không thích hợp với hình tượng thủ đô của Bắc Kinh, không thích hợp với hình tượng của quốc gia, càng không có lợi cho nền kinh tế chất lượng cao.

screen-shot-2020-06-07-at-9.18.43-pm
Ảnh: Bắc Kinh Nhật báo dìm dập học thuyết “kinh tế vỉa hè” của Lý Khắc Cường, nói rằng không thích hợp cho diện mạo Bắc Kinh (Ảnh chụp màn hình)

Bắc Kinh Nhật báo cho rằng đối mặt với ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay thì nên tăng cường sử dụng chính sách như trước đây, “làm tốt công tác sáu ổn định, thực thi sáu bảo đảm, Bắc Kinh có một loạt những biện pháp của riêng mình”.

Cuối cùng, bài viết nói rằng “phải thực sự dùng ngân sách để giúp đỡ doanh nghiệp hoạt động trở lại, dùng nhiều dạng chính sách để thúc đẩy sức tiêu dùng và gia tăng cơ hội việc làm”.

screen-shot-2020-06-07-at-9.18.31-pm
Bài viết “Ý kiến nhân dân: Kinh tế vỉa hè đang nóng lên nhưng không thể phát sốt” của Nhân dân Nhật báo phê phán lý thuyết Kinh tế vỉa hè của Thủ tướng Lý Khắc Cường (Ảnh chụp màn hình)

Trong cùng ngày, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – cũng đăng tải bài viết với tiêu đề “Ý kiến nhân dân: Kinh tế vỉa hè đang nóng lên nhưng không thể phát sốt”, trong đó nói rằng “đối với tình trạng đầu đường cuối ngõ đều bày hàng quán, cũng có người lo rằng liệu có cản trở giao thông hay không? Chất lượng thương phẩm làm sao bảo đảm? Vấn đề vệ sinh thực phẩm và môi trường làm sao giải quyết? Những lo lắng này không hề thái quá”.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cũng có bài bình luận có tiêu đề “Bình luận nóng: Kinh tế vỉa hè không thể nói làm là làm”. Bài viết này một lần nữa nêu ý kiến rằng “kinh tế vỉa hè không thích hợp với Bắc Kinh”, khiến “lực lượng quản lý đô thị ở Bắc Kinh sẽ tăng cường chấp pháp tiến hành kiểm tra, xử lý”, phê phán kinh tế vỉa hè là “hoàn toàn không phải là linh đan diệu dược trị bách bệnh”, “mù quáng theo trào lưu, sẽ lợi bất cập hại”.

screen-shot-2020-06-07-at-9.19.07-pm
Chuyên mục tài chính của CCTV cho đăng bài viết phê phán lý thuyết kinh tế vỉa hè của ông Lý Khắc Cường (Ảnh chụp màn hình)

Các cư dân mạng phát hiện rằng những bình luận thể hiện ý kiến khác với loạt bài viết này đã bị xóa rất nhanh. Có cư dân mạng biểu thị sự bất mãn như “Bình luận xóa nhanh thế, một tiếng nói bất đồng cũng không muốn nghe thấy, họ quả thực là ngạo mạn”.

Một số cư dân mạng bày tỏ “Bắc Kinh mấy năm nay đều bận rộn để đuổi người ta đi”, “Bắc Kinh không hoan nghênh nhân khẩu thu nhập thấp. Kiến nghị trực tiếp đuổi hết những ai có thu nhập dưới 50.000 nhân dân tệ một tháng, không phải thủ đô sẽ sạch sẽ hơn sao?!”.

Vì những bình luận phản đối các bài viết trên có tiếng nói lan tỏa lớn, Weibo đã khóa luôn khu vực bình luận, khi click vào khu vực này thì sẽ hiển thị “Xin lỗi, nội dung tạm thời không thể hiển thị”.

Học thuyết “kinh tế vỉa hè” của Lý Khắc Cường bị Ban Tuyên truyền trung ương Đảng thủ tiêu

Trước đây, ông Lý Khắc Cường trong buổi họp báo của Đại hội toàn quốc đã không nhắc đến GDP, mà còn nói rằng 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập hàng tháng chỉ trong khoảng 1000 nhân dân tệ, đồng thời còn tán dương kinh tế vỉa hè của Thành Đô.

Ngay sau đó, “kinh tế vỉa hè” lập tức trở thành cụm từ nóng. Bản thân Lý Khắc Cường trước đó khi đi khảo sát ở tỉnh Sơn Đông đã công khai đề cập đến “Kinh tế vỉa hè”, kinh tế buôn bán nhỏ “có vị trí quan trọng trong việc tạo ra nguồn cơ hội việc làm, là không khí đời sống nhân dân, cũng là một dạng kinh tế cấp cao, là sinh khí của Trung Quốc”.

Theo thống kê không chính thức, cho đến nay, toàn Trung Quốc có 27 địa phương khuyến khích phát triển kinh tế vỉa hè. Tuy nhiên, nền “kinh tế vỉa hè” bùng nổ chưa đến một tuần thì đã lập tức chuyển hướng.

Ông Tiêu, một người dân đại lục vượt tường lửa Internet Trung Quốc, cho hay ông Lý Khắc Cường đẩy mạnh đề xướng “kinh tế vỉa hè” ngay lập tức đã bị Ban Tuyên truyền trung ương Đảng dưới quyền chủ quản của Vương Hỗ Ninh – Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị – thủ tiêu. Ban Tuyên truyền vào ngày 4/6 đã ra lệnh cấm, ngoài việc buộc phải gỡ bỏ toàn bộ văn bản và bản tin có liên quan đến thúc đẩy kinh tế vỉa hè thì các bản tin cũng không được sử dụng cụm từ “kinh tế vỉa hè” vì ảnh hưởng bộ mặt của chính quyền.

Đài Á Châu Tự do RFA cũng dẫn lời của một người trong nội bộ Tân Hoa Xã (cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ), nói rằng Ban Tuyên truyền đã có lệnh cấm nhắc đến kinh tế vỉa hè.

1a28ade8ded042d48954f6b4c116985e-800x450-1
Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị nắm quyền Ban Tuyên truyền Vương Hỗ Ninh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Trung Cộng sử dụng “kinh tế vỉa hè” để đối phó với những đòn đánh của Mỹ

Nhà quan sát tình hình hình Bắc Kinh Hoa Pha (Hua Po) nói với tờ Epoch Times tiếng Trung rằng “Hàng quán vỉa hè là con đường sinh tồn của thảo dân bách tính khi không còn cách nào khác, không còn cách sinh nhai nữa thì đi bày hàng quán, nếu như có con đường tốt hơn, không có ai muốn bày hàng quán. Trước đây, người dân bày hàng quán vỉa hè thì bị coi là hình tượng xấu cho chính quyền, bị chính quyền cấm đoán. Vậy nên mới phải thành lập đội Thành quản tức Quản lý Đô thị để quản chế, từ đó đã diễn ra không biết bao nhiêu màn bi kịch trong xã hội”.

Ông đưa ra trường hợp tiểu thương Hạ Tuấn Phong làm ví dụ. Hạ Tuấn Phong buôn bán ở vỉa hè nuôi vợ con, lực lượng Quản lý đô thị đòi đập phá gian hàng của anh ta nên phát sinh xung đột, kết quả đội Thành quản 2 người chết 1 người bị thương. Hạ Tuấn Phong đã bị phán tội tử hình. Lúc đó Chánh án Tòa án Tối cao Chu Cường còn nói: “Không giết Hạ Tuấn Phong, thiên hạ đại loạn”

Ông Hoa Pha bình luận rằng ông Lý Khắc Cường lần này nói vài lời thẳng thắn, toàn quốc có đến 600 triệu người thu nhập hàng tháng chỉ có 1000 nhân dân tệ, đồng thời đề xuất để người dân bày hàng vỉa hè, trong phút chốc thay đổi hoàn toàn hình tượng trước kia là chỉ cân nhắc đến nền “kinh tế quyền quý”, nhưng khi ông ấy nâng “kinh tế vỉa hè” lên quá cao sẽ dẫn đến hỗn loạn đối với một số thành thị.

“Vậy nên, kinh tế vỉa hè của ông ấy đã vấp phải sự dìm dập mà Bắc Kinh là phe dẫn đầu. Truyền thông nhà nước đầu tiên là những tờ báo lớn lên tiếng khẳng định trước, sau đó lại bắt đầu chối bỏ. Điều này cũng cho thấy tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Trung Cộng đang có sự phân hóa lớn trong việc giải quyết vấn đề hướng đi cho nền kinh tế Trung Quốc. Lý Khắc Cường trong thời gian này đột nhiên trở thành ngôi sao chính trị, có khả năng ông ấy sẽ còn gặp phải đả kích”, ông Hoa bình luận.

Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng trận chiến thương mại Mỹ – Trung đã dẫn đến hàng loạt vấn đề kinh tế khiến Trung Cộng bế tắc.

Nửa đầu năm nay, khi virus Trung Cộng (ý chỉ virus làm bùng phát đại dịch viêm phổi Vũ Hán) đang hoành hành, những đơn hàng thương mại của Trung Quốc bị giảm sút nghiêm trọng, Mỹ thì đang muốn rút toàn bộ doanh nghiệp ra khỏi thị trường Trung Quốc, điều này càng làm nền kinh tế Trung Quốc gặp phải muôn trùng khó khăn. Ông Hoa Pha cho rằng trong bối cảnh thương chiến lúc này, phía Mỹ thì đang phát triển công nghệ cao, còn Trung Cộng thì dùng kinh tế vỉa hè để đối phó, điều này cũng tạo nhiều cảm hứng châm biếm cho cư dân mạng.

Tờ Apple Daily của Hong Kong dẫn nguồn tin nội bộ cho biết sự thay đổi 180 độ của truyền thông nhà nước về kinh tế vỉa hè báo hiệu sự khác biệt giữa cách Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình định hình các chính sách kinh tế, do đó nó cũng phản ánh cuộc đấu tranh quyền lực giữa hai bên.

Trong khi đó, nhà bình luận thời sự Trung Quốc tại Mỹ Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) lại có quan điểm khác. Ông Đường tin rằng cuộc xung đột không phải là giữa hai nhà lãnh đạo chính trị, mà là giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và sinh kế của người dân.

Ông giải thích rằng nền kinh tế Trung Quốc đã phải chịu đựng sự đình trệ của các doanh nghiệp trong thời gian dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng khắp đất nước. Sau đó, khi virus lây lan sang thế giới và tác động đến nền kinh tế các nước, xuất khẩu của Trung Quốc vì vậy đã giảm đáng kể.

“Khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy kinh doanh vỉa hè, nó đã báo hiệu cho công chúng rằng nền kinh tế chủ nghĩa xã hội Trung Quốc không thành công trong việc đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước”, ông Đường nói khi bàn về sự quay ngoắc của truyền thông lề Đảng về kinh tế vỉa hè.


Thiên Thảo’s Blog tổng hợp đưa tin từ Epoch Times phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

BÀI VIẾT MỚI

Theo dõi Thiên Thảo’s Blog

THEO DÕI BLOG TỪ EMAIL / SUBSCRIBE

Nhập địa chỉ email để theo dõi những bài đăng mới nhất của Thiên Thảo’s Blog.

Tạo một blog trên WordPress.com